Tin Tức Thị Trường

Thép ngoại giá rẻ “ép” thép nộ

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp thép trong nước do cạnh tranh không lại với thép ngoại nhập, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) có kiến nghị lên Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu phôi và thép thành phẩm có nguồn gốc ngoài khu vực ASEAN.

Ông Đinh Huy Tam, Tổng Thư ký VSA, cho biết trong thời gian vừa qua, do khủng hoảng của nền kinh tế nên sức mua giảm hẳn đi dẫn đến cung vượt cầu. Do đó, nhiều nước được xem là cường quốc về thép đều đẩy mạnh việc xuất khẩu thép sang các quốc gia khác, kể cả việc tận dụng chính sách hỗ trợ từ nhà nước.

Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng từ đầu năm đến nay, số lượng thép ngoại nhập khẩu vào Việt Nam tăng vọt với tốc độ kinh khủng. Điển hình như thép dây, trong tháng 1 doanh nghiệp chỉ nhập về khoảng 1,6 vạn tấn nhưng trong tháng 2 đã tăng lên 16 vạn tấn.

Hiện tại doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với lượng thép nhập ngoại ngày càng lớn và rẻ từ Nga, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine... Cách đây hai tuần, giá phôi thép từ Nga chào bán vào Việt Nam là 380 USD/tấn. Thế nhưng trong tuần vừa qua, mức giá chào bán mặt hàng này đã sụt mạnh xuống dưới 300 USD/tấn (giá FOB) trong khi theo tính toán của VSA, chi phí giá thành để sản xuất một tấn phôi thép của doanh nghiệp trong khoảng 450-500 USD.

Ngoài ra, một yếu tố gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cũng bắt nguồn từ các doanh nghiệp nhập khẩu. Theo đó, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã dùng thủ thuật để "hô biến” thép xây dựng (thuế 12%), thép que hàn (thuế 5%) thành... thép xây dựng để được hưởng thuế ưu đãi với mức 0%.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, cho biết trong hai tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của ngành thép giảm tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu sơ bộ, nhiều doanh nghiệp thép đều gặp phải khó khăn, thậm chí có một số nhà máy đã tạm dừng sản xuất. Lúc này nếu không có giải pháp tức thời sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của 4-5 vạn công nhân toàn ngành thép.

Kiến nghị tăng thuế nhập khẩu

Ông Tam không phủ nhận trong tình hình thép giá rẻ như hiện nay thì người tiêu dùng đang được hưởng lợi. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời dẫn đến cả ngành thép trong nước sụp đổ thì khi giá cả có diễn biến ngược lại, người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi. "Kiến nghị tăng thuế nhập khẩu chỉ diễn ra ngay tại thời điểm này khi ngành thép gặp quá nhiều khó khăn, còn khi thị trường thép ổn định trở lại chắc chắn phải có biện pháp khác phù hợp với tình hình mới” - ông Tam khẳng định.

Ông Tam cho biết mức thuế mà VSA đề nghị đối với phôi thép nhập khẩu từ 5% hiện hành lên 15%, nâng thuế suất thuế nhập khẩu thép cuộn đường kính 6-10 mm và thép sản phẩm từ 12% hiện hành lên 22%. Theo VSA, mức đề nghị nâng thuế nhập khẩu thép vẫn nằm trong mức cam kết WTO.

Theo ông Cường, việc tăng thuế sẽ ít ảnh hưởng tới giá thép trong nước. Lý do là hiện lượng thép còn tồn của doanh nghiệp trong nước còn rất nhiều, đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng. Bên cạnh đó, kiến nghị nâng thuế nhập khẩu chỉ tập trung vào mặt hàng thép nhập khẩu mà doanh nghiệp nhập về từ các nước có nguy cơ bán phá giá. Còn mức thuế đối với thép nhập khẩu từ các nước ASEAN vẫn được áp dụng là 5% theo cam kết giữa các nước trong khu vực.

Hạn chế đầu tư nhỏ, lẻ

Ngoài kiến nghị về tăng thuế nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp thép hy vọng những chính sách kích cầu của Chính phủ liên quan đến thị trường bất động sản phát huy tác dụng. Bởi xét về lâu dài chỉ có công trình xây dựng, thị trường nhà đất hoạt động trở lại mới là động lực chính để ngành thép phát triển và tăng trưởng.

Ông Tam kiến nghị ngay trong lúc này, nhà nước nên xem xét lại toàn bộ vấn đề về quy hoạch, cấp phép xây dựng liên quan đến các nhà máy sản xuất thép. Quan trọng nhất cần phải đưa ra cơ chế thông tin rõ ràng, tiêu chí về đầu tư, hạn chế những nhà đầu tư nhỏ lẻ, manh mún.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp thép trong nước cần phải nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh chứ không nên mỗi khi gặp khó khăn, doanh nghiệp lại cầu cứu vào chính sách bảo hộ của nhà nước.

Theo Pháp lệnh Về việc chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thì thép nhập khẩu từ một nước chiếm trên 3% tổng thép nhập khẩu vào Việt Nam thì bị xem là "đáng kể”. Thép của nước A sẽ bị coi là bán phá giá nếu được bán vào Việt Nam với giá thấp hơn giá thép đang được bán trên thị trường nội địa nước A hoặc thấp hơn giá thành mà doanh nghiệp tại nước A sản xuất ra. Đồng thời, việc bán phá giá đó là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Đương nhiên doanh nghiệp Việt Nam muốn kiện thì phải đưa ra số liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại đó đồng thời phải có số liệu theo dõi tình hình nhập khẩu cụ thể, tình hình sản xuất trong nước trong 12 tháng trước, so sánh giá nhập khẩu và tính biên độ phá giá... Chưa hết, cái khó nhất trong việc kiện bán phá giá là kinh phí dành cho việc thuê luật sư rất lớn, có khi lên tới hàng ngàn USD/giờ tư vấn.

Vào năm 2006, ngành thép Việt Nam cũng một phen lao đao vì thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ. Lúc đó, các doanh nghiệp thép "la làng” và VSA cũng dự tính sẽ kiện chống bán phá giá. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) khẳng định không có một đơn kiện nào được nộp.

 (Pháp Luật)

 

Các tin khác:
  • Nhà máy Thép Hữu Liên
  • ming hữu liên
  • hữu liên investment
  • Kanson
  • Moderno
  • Sử dụng Ống thép Hữu Liên trong công trình Bệnh Viện Quốc Tế Miền Đông - Bình Dương.
  • Dự Án Quận 2
  • Ống thép Hữu Liên vinh dự góp mặt trong các hạng mục ống thép dân dụng của tòa nhà Kumho Asiana Plaza.
  • Ống thép Hữu Liên – sự lựa chọn hoàn hảo cho công trình Cụm cảng Chân Mây
  • Ống thép Hữu Liên nền tảng thép cho những hạng mục dân dụng của Vietcombank Tower
  • Ống thép Hữu Liên góp mặt trong công trình Saigon Pearl
  • Ống thép Hữu Liên góp mặt vào công trình dân dụng của Kenton Residences
  • Ống thép Hữu Liên sự lựa chọn cho Cầu Rạch Chiếc