Thép cuộn Trung Quốc được nhập ồ ạt vào Việt Nam bán với giá rất cạnh tranh thấp hơn giá bán trong nước từ 300.000-500.000 đồng/tấn. So sánh với 6 tháng cùng kỳ năm 2006 tăng gần 420%, làm cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước lúng túng, thị phần tiêu thụ thép cuộn trong nước chỉ còn 47-48%.
Về tiêu thụ thép, nếu tính riêng lượng thép do các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Thép sản xuất tăng 2,56%; nếu tính cả lượng thép xây dựng nhập khẩu là 532.765 tấn thì tổng lượng tiêu thụ tăng hơn 20%.
Giá thép được bán trên thị trường hiện nay khá cao, có thể nói cao nhất từ trước đến nay. Hiện giá bán mới thép cuộn từ 9,24 triệu đồng đến 9,65 triệu đồng/tấn, thép cây từ 10 triệu đồng đến 10,3 triệu đồng/tấn, chênh lệch tới 2 triệu đồng/tấn với cuối tháng 5/2007.
Để lý giải cho việc giá thép tăng, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, hiện nay, công suất các nhà máy sản xuất thép xây dựng khoảng 6,5 triệu tấn/năm, dự kiến năm 2007 tiêu thụ đạt 4 triệu tấn, trong 6 tháng đầu năm thép Trung Quốc (chiếm chủ yếu) nhập vào là 532.765 tấn bán với giá thấp, như vậy cung lớn hơn cầu. Khi cung đã lớn hơn cầu thì DN nào thao túng được giá? Chỉ cần 1 DN nào đó tăng giá cao hơn là lập tức bị mất thị phần ngay.
Bên cạnh đó, từ 1/6/2007, Trung Quốc đã tăng thuế XK phôi thép từ 10% lên 15%. Tính bình quân trong tháng 6/2007, giá phôi thép NK là 513 USD/tấn, so với giá bình quân năm 2006 là 389 USD/tấn thì đã tăng tới 124 USD/tấn, cộng với thuế NK (5%), chi phí vận chuyển (10 USD) và 50 USD chi phí gia công cán (vì dầu FO và điện tăng), cùng 5% thuế GTGT thì giá xuất xưởng chưa tính lãi đã là 10.132.709 đồng/tấn.
Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp do năng lực tài chính, do điều kiện gì đó nên thường mua đuổi bán đuổi nên giá phôi sát với thị trường.
Việc mua về để sản xuất thép, rồi bán đi thu tiền về là 1 quá trình xảy ra liên tục không ngừng, không thể bán đi 1 tấn thép thành phẩm rồi không đủ tiền để mua 1 tấn phôi để sản xuất vòng tiếp theo.
Vì thế, để những tháng tới đảm bảo nguyên liệu sản xuất, nếu DN mua phôi thép sản xuất trong nước thì giá bán phải trả tiền trước cũng là 9,5 triệu đồng/tấn, còn nếu NK phôi thép, thấp nhất cũng khoảng 520 USD/tấn, cao hơn khoảng 530- 540 USD/tấn (chưa kể chi phí vận chuyển, thuế NK…).
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép, 6 tháng đầu năm 2007, lượng phôi thép NK là 1.083.000 tấn, trong đó, riêng tháng 5, lượng phôi thép nhập về đã lên tới 375.000 tấn. Tháng 6/2007 chỉ nhập bằng 1/3 so với tháng 5, đạt 121.000 tấn (tính cả các hợp đồng đã ký trong tháng 5 nhưng tháng 6 mới về). Như vậy, các DN đã tích trữ khá nhiều phôi thép NK từ trước đó với giá thấp (tháng 5/2007 giá phôi thép NK từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ ở mức 485 USD/tấn).
Các doanh nghiệp thép nhận định tình hình thép 6 tháng cuối năm sẽ sáng sủa, khả quan hơn. Thép xây dựng được cung cấp thoả mãn theo yêu cầu thị trường. Sản xuất tiếp tục phát triển, tiêu thụ có khả năng tăng cao hơn 15-20% so với 6 tháng đầu năm. Giá thép ổn định ở mức cao vì giá thép thế giới và khu vực chưa có tín hiệu giảm thấp; Việt Nam vẫn phải nhập phôi thép và thép phế điện cực từ nước ngoài. Cuối năm 2007, nhà máy sản xuất phôi Pomina tại Phú Mỹ có công suất 500.000 tấn/năm vào sản xuất, phấn đấu năm 2007 sản xuất phôi trong nước đạt 50% nhu cầu. Thép cuộn Trung quốc có thể sẽ không ồ ạt vào thị trường Việt Nam nữa vì thép trong nội địa Trung Quốc tăng bình quân 20 USD, bỏ hoàn thuế 8% từ 15/4; từ 20/5 xuất khẩu thép phải giấy phép; từ 1/6 đánh thuế xuất khẩu thép thanh 10%, thép dẹt 5% và phôi thép từ 10% tăng lên 15%.
(Nguồn Vinanet)