Tin Tức Thị Trường

Hời hợt đầu tư, chỉ quen ăn xổi

Giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng cao, sắp vượt ngưỡng 20 triệu đồng/tấn và có thể đạt mức 21 triệu đồng/tấn trong thời gian không xa. Theo giới chuyên môn, sở dĩ giá thép tăng cao là do việc đầu tư cho ngành thép thời gian qua còn nhiều bất hợp lý. Mỗi khi giá nguyên liệu phôi thép trên thị trường thế giới tăng, các hãng thép lại thi nhau kêu lỗ, đòi tăng giá. Và điều nghịch lý hơn là trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) đang thiếu nguyên liệu sản xuất thì không ít DN lại đua nhau xuất khẩu phôi thép.


Xuất bán để hưởng lợi ngay

VN là nước còn phải nhập khẩu phôi thép khá nhiều. Thế nhưng thời gian qua giới chuyên môn không khỏi bất ngờ vì lượng phôi thép xuất ngược rất lớn. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cũng bức xúc: Việc xuất khẩu phôi thép gần đây là chuyện không bình thường cần phải chấn chỉnh lại...

Theo số liệu thống kê trong tháng 4 -2008, các DN ngành thép đã xuất ra nước ngoài 7.200 tấn phôi thép, đến tháng 5 lượng phôi thép xuất khẩu vọt lên 74.000 tấn. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng khả năng trong tháng 6 cũng gần cả trăm ngàn tấn được xuất bán ra nước ngoài. Sở dĩ có tình trạng trên là do thời gian qua giá phôi thép trong nước "mềm” hơn nên nhiều DN thay bằng trữ nguyên liệu để chủ động trong sản xuất lại đua nhau tìm cách xuất bán để hưởng lợi ngay. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay giá thép phế liệu (dùng để sản xuất phôi thép) khoảng 700 USD- 750 USD/tấn, cộng với chi phí sản xuất 150 USD/tấn thì giá thành phôi thép chưa tới 900 USD/tấn. Nếu xuất bán DN sẽ thu được khoảng 1.200 USD/tấn. Chính vì lời như vậy nên các DN có phôi thép đều đua nhau xuất...

Giám đốc một DN thép quy mô lớn cho biết: Số lượng phôi thép xuất bán của DN chiếm 30% sản lượng sản xuất, 70% còn lại dành cho sản xuất thép thành phẩm. Việc xuất bán này là nhằm để có ngay tiền mặt giải quyết các chi phí sản xuất còn nếu dành phôi để cán thép thành phẩm sẽ giam vốn lâu hơn, khi bán thép cho khách hàng cũng không thể thu hồi ngay được tiền mà phải mất thêm vài ba tuần. Các DN chỉ sản xuất phôi (không có nhà máy cán thép) cũng viện cớ không muốn bán phôi thép cho DN trong nước vì bên mua không chấp nhận trả tiền ngay, trong khi xuất bán ra nước ngoài vừa được giá lại thu tiền ngay...


Sẽ còn thiếu nguyên liệu dài dài

Do không chuẩn bị được nguồn nguyên liệu từ trước, nên hiện nay nhiều DN sản xuất thép gặp không ít khó khăn. Giá nguyên liệu phôi thép ngày càng tăng cao (hiện từ 1.200 USD- 1.300 USD/tấn), trong khi giá bán thép thành phẩm trong nước (giá bán tại nhà máy) chỉ hơn 1.000 USD/tấn nên nhiều DN phải giảm sản lượng từ 20%- 30%, vì càng sản xuất càng lỗ. Hiện tại các nhà máy chủ yếu sản xuất từ nguyên liệu tồn được nhập trước đó với giá từ 850 USD- 900 USD/tấn...

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép VN, tình trạng xuất khẩu phôi thép như hiện nay đang và sẽ còn gây bất ổn cho việc sản xuất thép trong nước, khiến giá thép có thể tăng cao hơn nữa trong thời gian tới. Để ngăn chặn tình trạng trên, Chính phủ cũng đã điều chỉnh thuế xuất khẩu phôi thép từ 2% lên 10% nhưng xem ra cũng chưa có tác dụng. Mới đây Tổng Công ty Thép VN kiến nghị Chính phủ nên tăng mức thuế này lên 30% cũng như cho phép các DN thép quốc doanh được điều chỉnh giá bán thép thành phẩm sát với giá thế giới, thế nhưng các đề xuất này vẫn chưa được giải quyết.

Theo giới chuyên môn, để giải quyết tận gốc vấn đề giá thép, ngành thép phải sản xuất nguyên liệu phôi trong nước căn cơ hơn (hiện vẫn còn phải nhập khẩu khoảng 60% phôi thép, 40% còn lại đã sản xuất được nhưng chủ yếu từ thép phế liệu nên hiệu quả chưa cao). Nhiều nước trên thế giới vẫn bảo đảm được giá thép tương đối ổn định dù giá nguyên liệu thế giới tăng cao là do họ đầu tư bài bản. Trong khi ở VN ngành thép được làm theo kiểu xây nhà trước, mà bỏ qua công đoạn xây nền móng, nghĩa là chỉ chú trọng sản xuất thép còn chưa chú trọng sản xuất nguyên liệu phôi. Hiện nay mới chỉ có 8 nhà máy có sản xuất phôi thép với công suất thiết kế khoảng 3 triệu tấn/năm, trong năm 2008 ước đạt khoảng 2 triệu tấn chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Với mức này, làm sao đủ nguyên liệu sản xuất thép. Để chủ động hơn trong khâu nguyên liệu, ngành thép phải đầu tư vào khai thác quặng để sản xuất ra phôi thép. Hiện chỉ có Công ty Gang thép Thái Nguyên có sản xuất quặng, và cũng chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu của chính đơn vị này, số còn lại vẫn phải nhập khẩu.

Các tin khác:
  • Nhà máy Thép Hữu Liên
  • ming hữu liên
  • hữu liên investment
  • Kanson
  • Moderno
  • Sử dụng Ống thép Hữu Liên trong công trình Bệnh Viện Quốc Tế Miền Đông - Bình Dương.
  • Dự Án Quận 2
  • Ống thép Hữu Liên vinh dự góp mặt trong các hạng mục ống thép dân dụng của tòa nhà Kumho Asiana Plaza.
  • Ống thép Hữu Liên – sự lựa chọn hoàn hảo cho công trình Cụm cảng Chân Mây
  • Ống thép Hữu Liên nền tảng thép cho những hạng mục dân dụng của Vietcombank Tower
  • Ống thép Hữu Liên góp mặt trong công trình Saigon Pearl
  • Ống thép Hữu Liên góp mặt vào công trình dân dụng của Kenton Residences
  • Ống thép Hữu Liên sự lựa chọn cho Cầu Rạch Chiếc