Tin Tức Thị Trường

“Bí đầu ra”, DN sản xuất phôi thép lao đao

Doanh nghiệp kêu khó

Do Nhà nước kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư, cắt giảm các đề án không có hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tín dụng của các ngân hàng, lãi suất cho vay tăng cao làm cho nhiều dự án phải đình hoãn hoặc kéo dài thời gian, vì thế, nhiều công ty cán thép không thể tiêu thụ được hàng nên từ chối không mua phôi thép trong nước sản xuất; cộng với việc Bộ Tài chính tăng thuế XK phôi thép từ 10% lên 20% từ ngày 10-8-2008 (trước đó là tăng 2% lên 10% từ 28-6-2008), đó là những nguyên nhân làm cho các công ty sản xuất phôi thép "bí đầu ra”, thiếu vốn, rơi vào tình cảnh lao đao…

Trong văn bản gửi Hiệp hội thép Việt Nam, Công ty CP thép Đình Vũ- một trong những DN chuyên sản xuất phôi thép bằng công nghệ lò điện hồ quang với công suất 200.000 tấn/năm- lên tiếng: "DN đã khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đảm bảo ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hơn 850 lao động hiện có, cộng thêm giá cả tăng cao, lãi suất ngân hàng quá sức chịu đựng của DN. Nay hàng sản xuất ra không tiêu thụ được do các nhà máy cán trong nước không có nhu cầu mua, nhưng khi xuất khẩu DN lại bị ràng buộc bởi hàng rào thuế quan và hạn ngạch XK với thuế suất cao (20%) dẫn đến lượng tồn kho lớn, DN không có vốn để quay vòng. Bên cạnh đó mức lãi suất cao của hàng tồn kho cũng là những bài toán không thể giải được…”.

Vì không có "đầu ra” nên mỗi tháng tồn kho sản phẩm của công ty lên tới 15.000 tấn, tương đương gần 300 tỉ đồng, đi kèm đó là các khoản lãi vay ngắn và dài hạn phải trả gần 12 tỉ đồng, cộng với tiền điện mỗi tháng là 10 tỉ đồng, tiền lương và các khoản chi phí khác khoảng 6 tỉ đồng, chưa kể các khoản phụ phí. Mỗi tháng sản xuất tiếp theo, công ty cũng phải lo số tiền lương tương đương như trên trong. "Đó là những khó khăn không hề nhỏ. Nếu không có lối thoát cho DN sản xuất phôi thép chắc chắn các DN sẽ phải đóng cửa nhà máy và nguy cơ phá sản là "nhãn tiền”.

Cty CP kim khí Hưng Yên cũng không phải là ngoại lệ. Với công suất lò điện hồ quang 200.000 tấn/ năm sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, hiện công ty đang bị tồn kho mỗi tháng gần 10.000 tấn phôi, tương đương gần 200 tỉ đồng, kèm theo là các khoản vay ngắn hạn và dài hạn phải trả gần 10 tỉ đồng, tiền điện, tìền lương và các khoản chi phí khác khoảng hơn 9 tỉ đồng, chưa kế phải lo tiếp số tiền tương đương như vậy cho mỗi tháng sản xuất tiếp theo. "Trong tình trạng hiện nay, chúng tôi rất khó khăn để có thể đảm bảo ổn định sản xuất và tạo công ăn việc làm cho hơn 400 lao động hiện có…”- giám đốc DN than thở.

Tình trạng ở Công ty TNHH Vạn lợi còn bi đát hơn. Chỉ riêng tại Hải Phòng, Nhà máy luyện phôi thép từ nguyên liệu thép phế liệu của công ty có công suất 600.000 tấn phôi thép/năm và sắp tới (cuối tháng 9 đầu tháng 10/2008) đưa vào hoạt động tiếp nhà máy luyện gang công suất 500.000 tấn/năm. Nhà máy công suất lớn đồng nghĩa với số lượng CBCNV của DN có nguy cơ mất việc làm càng cao (tính đến thời điểm hiện tại, trong hệ thống Công ty TNHH Vạn Lợi có trên 2.000 người, trong đó tại khu vực Hải Phòng 1.460 người). Hiện nay, nguồn thu chủ yếu của cả hệ thống Vạn Lợi chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu của nhà máy luyện phôi tại Hải Phòng. Chỉ riêng một đơn vị sản xuất phôi thép của Vạn Lợi tại Hải Phòng, hàng tháng đã phải trả các khoản chi phí lên tới 33,5 tỉ, trong khi phải "nhìn” thành phẩm tồn kho lên đến 600-700 tỉ đồng….

Kiến nghị giải tỏa tồn kho thép

Trong văn bản kiến nghị, giám đốc Công ty CP Thép Việt cho rằng: Việc một số ý kiến cho rằng, nếu không làm XK phôi thép có thể đưa đến việc thiếu thép trong nước là không có cơ sở, vì không tính đến việc dãn tiến độ của hàng loạt dự án qua quyết định của Chính phủ, bên cạnh đó việc ngân hàng xiết chặt tín dụng cũng làm nhiều dự án xây dựng dở dang phải ngưng trệ vì thiếu vốn. Nhiều DN thép sản xuất ra không bán được hàng nên tồn kho phôi thép rất cao, đủ cho sản xuất những tháng tiếp theo.

Các DN cũng lo lắng bởi hiện nay, giá thế giới đang có xu hướng giảm, chỉ trong vòng một tháng giá thép thế giới đã giảm xuống 25%, nếu không có biện pháp giải tỏa tồn kho thép DN sẽ rơi vào tình trạng lỗ kép (do lãi xuất vay cao và giá thép thế giới giảm). Vì thế, các Cty CP Thép Việt, thép Đình Vũ, Công ty CP kim khí Hưng Yên, Công ty TNHH Vạn Lợi đồng loạt đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng xem xét và có ý kiến với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất thép nói chung và sản xuất phôi thép nói riêng bằng giải pháp Nhà nước mua lại hàng do DN sản xuất ra để dự trữ quốc gia nếu thấy cần thiết, hoặc giảm thuế XK, nới lỏng chính sách tiền tệ tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phôi thép tiếp cận các nguồn vốn quay vòng với lãi suất thấp hơn để DN có thể tiếp tục giữ lượng hàng tồn kho.

Trước các ý kiến của DN, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có kiến nghị đề nghị: Chính phủ xem xét giảm thuế xuất khẩu phôi thép xuống 10% như Quyết định ngày 28/6/2008 của Bộ Tài chính; Đồng thời, xem xét, nghiên cứu thành lập quỹ dự trữ phôi thép và giao cho Bộ Công Thương thực hiện để nhằm bình ổn giá thép trong nước khi giá phôi thép thế giới có biến động lớn; đồng thời có chính sách tài chính ưu tiên cho các nhà sản xuất phôi thép và cho các công trình xây dựng nhằm giải quyết khó khăn về vốn, tạo thuận lợi cho các công ty sản xuất thép, tăng lượng thép tiêu thụ trong nước.

Nguồn: Báo Thương Mại

 

Các tin khác:
  • Nhà máy Thép Hữu Liên
  • ming hữu liên
  • hữu liên investment
  • Kanson
  • Moderno
  • Sử dụng Ống thép Hữu Liên trong công trình Bệnh Viện Quốc Tế Miền Đông - Bình Dương.
  • Dự Án Quận 2
  • Ống thép Hữu Liên vinh dự góp mặt trong các hạng mục ống thép dân dụng của tòa nhà Kumho Asiana Plaza.
  • Ống thép Hữu Liên – sự lựa chọn hoàn hảo cho công trình Cụm cảng Chân Mây
  • Ống thép Hữu Liên nền tảng thép cho những hạng mục dân dụng của Vietcombank Tower
  • Ống thép Hữu Liên góp mặt trong công trình Saigon Pearl
  • Ống thép Hữu Liên góp mặt vào công trình dân dụng của Kenton Residences
  • Ống thép Hữu Liên sự lựa chọn cho Cầu Rạch Chiếc