Hàng thập kỷ sau giai đoạn kinh tế khó khăn, buộc các hãng thép phải từ bỏ các khu sản xuất và bán mỏ than, nay các nhà sản xuất thép của thế kỷ 21 lại mở cuộc "săn" than. Nhưng lần này, không phải là Carnegies và Morgans, mà là Mittals và Mordashovs. Các công ty thép của Mỹ -những "đại gia" đã viết nên lịch sử với việc nắm giữ mọi thứ, từ các sản phẩm đã qua sử dụng để sản xuất thép tới việc chế tạo thép thành các sản phẩm hoàn thiện (như các xưởng đóng tàu của Bethlehem Steel Co.)- lại vắng bóng trong làn sóng mua than sôi động này.
Ngành công nghiệp sản xuất thép của Mỹ, bị tổn thất nghiêm trọng do giá thép hạ và chi phí hoạt động tăng, đã "mệt mỏi" với các mỏ than trong nhiều năm, nay tỏ ra lưỡng lự và không có nhiều vốn để lại tiếp tục tích trữ than.
Ông Charles Bradford, chuyên gia phân tích công nghiệp của Bradford Research/Soleil Securities cho rằng các công ty thép của Mỹ vẫn ước ao giá họ còn nắm giữ được các mỏ than đá -nay đã bị sang tay cho các đối tác nước ngoài.
ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Lúcxămbua, mới đây tăng cổ phần của mình tại mỏ Macarthur của Ôxtrâylia -cung cấp hơn 1/3 than bột cho thị trường thế giới. Đồng thời, ArcelorMittal cũng "chộp lấy" Mid Vol Coal Group, một công ty Mỹ gần như không tên tuổi, nhưng lại nắm trong tay các mỏ than có trữ lượng 85 triệu tấn và có khả năng khai thác khoảng 1,5 triệu tấn than tại West Virginia và Virginia. Hiện các điều khoản trong thương vụ trên vẫn chưa được công bố.
Trong khi đó, tập đoàn khai mỏ quốc tế BHP Billiton Ltd. đang nỗ lực để tiếp quản Rio Tinto Inc (công ty có trụ sở tại Luân Đôn) với giá 170 tỷ USD. Thỏa thuận này, nếu thành công, sẽ kết hợp hai công ty khai thác quặng sắt lớn thứ hai và thứ ba thế giới. Vụ mua bán này đang được Liên minh châu Âu (EU) "soi" kỹ, do có thể tạo nên một cơ chế độc quyền kiểm soát giá sắt và than cốc.
Tại châu Á, nhà sản xuất thép Hàn Quốc Posco đã mua 10% cổ phần của Macarthur Coal. Ngoài ra, OAO Severstal (Nga), với sự điều hành của Giám đốc Aleksey Aleksandrovich Mordashov, cũng đang mở chiến dịch mua mỏ than.
Dự báo, giá loại than của Mỹ được sử dụng để làm than cốc -nhiên liệu phục vụ các lò luyện thép- có thể lên tới 250 USD/tấn. Trong khi nămg ngoái, giá loại than này mới đứng ở mức xấp xỉ 90 USD/tấn.
Các nhà sản xuất thép cũng phải đối mặt với sức ép từ phía các khách hàng là các hãng chế tạo (sản xuất từ ô tô, máy bay tới máy giặt và tủ lạnh). Tóm lại, các hãng thép đang nỗ lực để kiểm soát giá quặng sắt, than luyện kim và thép phế liệu.
Ngành công nghiệp thép của Mỹ đã bị tổn thương nặng nề trong 2 thập kỷ qua, khi chi phí lao động tăng và tình trạng hoạt động không hiệu quả đã khiến lợi nhuận giảm, đẩy hàng chục lò luyện thép từ Johnstown, Pennsylvania tới Cleveland tới chỗ phải đóng cửa. Ngay cả hãng U.S. Steel, mặc dù đã ký một thỏa thuận mang tính lịch sử với công đoàn của ngành cách đầy vài năm và "sống" không đến nỗi "chật vật", cũng không công bố kế hoạch mua mỏ than nào. Trong khi đó, lịch sử đang sang trang mới với các nhà sản xuất thép nước ngoài.
Cách đây gần 100 năm, các đại gia như Bethlehem Steel đã kiểm soát mọi thứ, từ than được xúc lên từ lòng đất, đến các thị trấn, nơi ở của thợ mỏ. Thậm chí, một số công ty còn thống trị cả ngành công nghiệp các sản phẩm hoàn thiện. Ví dụ, hồi giữa thế kỷ 20, Bethlehem có 4 xưởng đóng tàu lớn và là một trong những đại gia trong ngành công nghiệp đóng tàu. Behtlehem tuyên bố phá sản năm 2001, bị giải tán 2 năm sau đó và được bán cho International Steel Group. Các tài sản này đã bị ArcelorMittal "chớp" ngay.
Hồi đầu thế kỷ 20, U.S.Steel đã đến West Virginia và khai thác khoảng 200 triệu tấn than đá từ các mỏ của khu vực này. Công ty cũng có hoạt động khai thác than tại Kentucky. Nhưng tới năm 2003, U.S.Steel đã bán nốt các "dấu tích" cuối cùng trong hoạt động khai mỏ và không công bố về khả năng sẽ trở lại lĩnh vực này. Tóm lại, không một công ty thép nào của Mỹ công khai quay lại các mỏ than.
Trong thập kỷ qua, các công ty thép của Mỹ đã tốn công mất sức để nỗ lực tồn tại, hơn là phát triển. Hàng chục công ty bị phá sản và đóng cửa, với tài sản bị "chia chác" bởi các tập đoàn quốc tế và các hoạt động bị xé lẻ và yếu đi.
Ông Bradfor cho biết, nhiều hãng thép đã chuyển sang dùng lò luyện chạy điện (sử dụng sắt phế liệu) hơn là các lò luyện "ngốn" than cốc và quặng sắt. Ông nhận định, chỉ có thời gian mới biết liệu ArcelorMittal và các hãng thép lớn khác có quyết định đúng hay không khi đầu tư vào các mỏ than.
2012 Copyright © Huu Lien Asian Corporation. All rights reserved.